Một số kinh nghiệm khi mua xe hơi đời cũ
Một số hãng xe như Mercedes có lưu lại lịch sử của từng xe, dựa theo biển số, với điều kiện chủ xe chỉ thực hiện bảo dưỡng tại hãng. Với các trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể tham khảo hãng xe để biết thêm về lịch sử chiếc xe mình định mua.
Khi xe hơi còn đang là một tài sản có giá trị và mức phí trước bạ cũng là một phần khá lớn chi phí khi mua xe như hiện nay thì phương án mua xe hơi cũ được nhiều người coi là một cách tận hưởng cuộc sống “kinh tế” hơn.
600 triệu mua được SUV cũ nào?
Chọn sedan cũ nào giá 1 tỉ đồng?
Những ôtô ế nhất nửa đầu năm 2015 tại Việt Nam
Chuyên mục Xe mang tới bạn đọc một số lưu ý để có thể chọn được một xe hơi cũ tốt.
Chuẩn bị về mặt tâm lý
Tâm lý người mua xe thường là e ngại việc xem xét quá kỹ lưỡng, hỏi han quá nhiều, đi lại nhiều lần sẽ làm người bán khó chịu. Tuy nhiên điều này có thể gây ra những tiếc nuối sau này. Nên nhớ rằng “khách hàng là thượng đế” và việc bạn xem xét thật kỹ, thậm chí là soi mói hay đòi hỏi từ người bán sẽ giúp cho quá trình giao dịch diễn ra thuận lợi hơn, và đôi bên cùng có lợi.
Ngoài ra, người mua xe cũng rất hay rơi vào trạng thái vội vã. Khi mà dành một thời gian quá dài chờ đợi “giấc mơ trở thành sự thật” thì việc “tặc lưỡi” cũng rất dễ xảy ra. Rõ ràng trong khi xe hơi còn là tài sản lớn với phần lớn người Việt thì bạn cũng nên thận trọng và suy xét kỹ lưỡng trước khi mua khối tài sản xe hơi.
Phía bên ngoài xe
Một số khu vực bên ngoài xe thường dễ xảy ra va chạm như cản trước, cản sau cũng như một số khu vực mà các vết va chạm khó phục hồi như các đường kẻ, gờ nổi là nơi nên kiểm tra thật kỹ. Ngoài việc kiểm tra bằng cách dùng mắt xem thật kỹ thì bạn cũng nên lấy tay vuốt theo các đường kẻ trên xe.
Phần cản trước thường là khu vực có nhiều va chạm
Màu sơn hơi “lạ”, đường gờ không thật mượt hay cảm giác bề mặt không giống các khu vực khác là dấu hiệu để bạn đặt câu hỏi cho người bán về lịch sử các va chạm của xe.
Những vết va chạm trên các đường kẻ, đường gờ thường khó phục hồi nguyên trạng
Bản lề, viền cửa, khe cửa cũng là những nơi dễ bộc lộ dấu vết thời gian của xe. Đệm cao su ở cửa xe có độ êm, khít và màu đen giảm dần theo thời gian, còn viền cửa, khe cửa là những khu vực khó có thể phục hồi hoàn toàn khi có va chạm mạnh. Đặc biệt là bản lề cửa, một khi đã va chạm mạnh, bản lề cửa thường xộc xệch chứ không còn khít như nguyên bản.
Va chạm mạnh gây biến dạng bản lề xe cũng thường khó phục hồi
Nội thất xe
Các xe “có tuổi” hoặc đi nhiều sẽ bị lão hóa phần nội thất, các chi tiết không còn ăn khớp và gây ra tiếng kêu ọp ẹp. Cách đơn giản để kiểm tra độ mới của nội thất là dùng tay ấn vào các khe, kẽ để xem các chi tiết có phát ra tiếng kêu không. Để chắc chắn hơn nữa, bạn có thể mang xe ra chạy thử và cua thật gấp để tạo ra độ xoắn vặn cho xe nhằm kiểm tra sự ăn khớp của các chi tiết.
Các khớp nối, phần nối tiếp (ô đỏ) thường sẽ ọp ẹp theo thời gian
Một điều không thể thiếu khi kiểm tra phần nội thất của xe đó là tham khảo các diễn đàn hoặc những người dùng khác đang dùng dòng xe bạn định mua. Các mẫu xe hiện nay thường có quá nhiều chức năng đến nỗi mà chính người lái cũng ít khi dùng hết. Do đó mà bạn nên tham khảo kỹ để có thể “điểm danh” đầy đủ các chức năng và thử chúng trước khi quyết định mua xe cũ.
Các thiết bị theo xe cũng là một hạng mục để bạn có thể thương lượng giá với người bán. Một vài thiết bị theo xe như tai nghe, dây kết nối thường có giá bán khá cao khi mua lại, đặc biệt là với các hãng xe sang như Mercedes hay BMW.
Động cơ xe
Phần kim loại sáng màu trên máy là nơi mà người bán xe không thể nói dối về chiếc xe. Một chiếc xe sử dụng quá nhiều, đặc biệt là trong các điều kiện khó khăn thường để lại “màu thời gian” trên phần kim loại sáng màu. Những chiếc xe cũ được coi là còn mới ở phần động cơ khi có phần kim loại sáng, không xước xát, các dây curoa, các chi tiết nhựa trong khoang máy không ố, bạc màu.
Những chi tiết máy bằng kim loại và màu sáng sẽ có “dấu vết thời gian” nếu xe bị sử dụng nhiều
Ngoài ra, phía dưới động cơ thường có 2 thanh càng đỡ toàn bộ khối động cơ. Bạn nên kiểm tra kỹ để đảm bảo thanh càng này không cong, vênh hay bị chắp vá. Càng đỡ động cơ chắp vá chính là dấu hiệu của một chiếc xe đã có va chạm quá mạnh.
Lịch sử của xe
Các xe hơi hiện đại thường có đợt bảo dưỡng cũng như đợt thay phụ tùng định kỳ. Thông thường, trong điều kiện vận hành thông thường, chủ xe có thể “chạy cố” thêm gấp đôi số km mà nhà sản xuất khuyến nghị phải thay phụ tùng. Do đó, nếu mua phải một chiếc xe “chạy cố”, khả năng bạn phải mất một khoản tiền lớn ngay khi mua xe về là rất cao.
Tham khảo lịch sử của xe trong hãng cũng là một cách để tăng độ tin cậy khi mua xe cũ
Hãy cố gắng kiểm tra thật kỹ càng và chính xác về lịch sử của xe để tránh rủi ro này. Đặc biệt là với các xe hơi bày bán tại các salon xe cũ, lịch sử của xe thường khó xác định. Do đó, nếu được, hãy mua xe của người dùng dù có thể đắt hơn mua ở các salon một chút.
Một số hãng xe như Mercedes có lưu lại lịch sử của từng xe, dựa theo biển số, với điều kiện chủ xe chỉ thực hiện bảo dưỡng tại hãng. Với các trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể tham khảo hãng xe để biết thêm về lịch sử chiếc xe mình định mua.
Kiểm tra tại hãng
Tất cả các hãng xe hiện nay đều có dịch vụ kiểm tra toàn diện với chi phí khoảng 0,5 đến 1,2 triệu đồng. Bước kiểm tra này tuy không thể giúp bạn biết chiếc xe sắp mua có thực sự bền hay không nhưng ít nhất cũng đảm bảo chiếc xe cũ bạn mua về có thể hoạt động hoàn hảo ngay lập tức.
Tham khảo thị trường
Cùng một mẫu xe cũ với số km và thời gian sử dụng tương đương, giá bán lại có thể chênh nhau tới vài trăm triệu đồng. Và câu “của rẻ là của ôi” chưa chắc đúng nếu bạn thực sự biết rõ lịch sử của xe.
Một số hãng xe hiện nay cũng có dịch vụ bán xe cũ với mức giá chênh khá nhiều với giá thị trường “ngoài” nhưng kèm theo dịch vụ bảo hành 6 tháng hoặc 1 năm. Đây cũng có thể là một mốc để bạn so sánh và tìm được mức giá hợp lý cho chiếc xe cũ mình sắp mua.
Leave a Reply